Ở tuổi mới lớn, con bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý và cha mẹ cũng cảm thấy áp lực và mệt mỏi hơn với những thay đổi của con cái. Vậy làm sao để cùng con vượt qua được giai đoạn “ẩm ương” này và giúp trẻ phát huy được hết khả năng của bản thân?
Ở tuổi mới lớn, con bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý và cha mẹ cũng cảm thấy áp lực và mệt mỏi hơn với những thay đổi của con cái. Vậy làm sao để cùng con vượt qua được giai đoạn “ẩm ương” này và giúp trẻ phát huy được hết khả năng của bản thân?
1. Tuổi dậy thì – giai đoạn trẻ đang “ẩm ương” nhất
Dễ tự ái, dễ bị tổn thương khi bị mắng nặng lời, thích được coi là người lớn và đôi khi hành động nông nổi chính là những đặc trưng cơ bản của trẻ khi bước vào giai đoạn dậy thì. Đây là lứa tuổi hết sức nhạy cảm bởi diễn biến tâm lý phức tạp.
Trong thời gian đang chuyển giao nửa trẻ con nửa người lớn này, cha mẹ chắc hẳn sẽ cảm thấy rất khó xử khi nghiêm khắc quá cũng không được mà thả lỏng quá cũng không xong. Quản lý con cái quá mức sẽ khiến trẻ cảm thấy mất tự do và có xu hướng muốn thoát khỏi “xiềng xích” của bố mẹ nhưng nếu buông lỏng thì trẻ dễ sa đà vào những thói hư, tật xấu và đầy rẫy những cạm bẫy ngoài xã hội.
Có không ít cha mẹ thường than thở rằng nuôi con ở độ tuổi này vất vả quá vì con bướng bỉnh, khó dạy bảo, nói gì cũng cãi lại. Con thường thích gì là làm nấy, quần áo, tóc tai phải chiều theo ý con. Đôi khi con cự cãi, giận dỗi bố mẹ, không chịu giao tiếp, không chịu ăn uống khiến cha mẹ cảm thấy bất lực.
2. Dạy con cần kiên nhẫn và thấu cảm
Với mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ cần nắm bắt được tâm sinh lý của con thì mới có cách dạy con phù hợp nhất, tuy nhiên điều cốt yếu là cha mẹ cần cư xử một cách tinh tế, nhẹ nhàng để trẻ không cảm thấy bị tổn thương về tâm hồn.
Hãy phân tích cho con điều nên làm và nên tránh
Trẻ trong giai đoạn này thường có xu hướng thành người lớn nên muốn đưa ra các quyết định cho cuộc đời mình. Tốt nhất bạn nên cho trẻ quyền tự quyết trong một giới hạn nhất định cũng như phân tích cho trẻ những mặt lợi hại, đúng sai. Hãy cho trẻ hiểu rằng mỗi cá nhân đều phải tự chịu trách nhiệm đối với những hành động hay lời nói của chính mình.
Cha mẹ phải là bạn của con
Khi trẻ đến tuổi dậy thì tâm lý thường khá bất ổn. Đối với những gia đình mà bố mẹ thiếu sự quan tâm, để trẻ tự do làm điều mình thích thì đôi khi lại khiến trẻ có tâm lý cô đơn, cảm thấy không ai quan tâm đến mình. Do đó, trẻ sẽ có xu hướng suy nghĩ và hành động để thu hút sự chú ý của người khác và muốn chứng tỏ bản thân bằng những cách tiêu cực như tham gia đánh nhau, gây rối mất trật tự, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thực hiện các hành vi mất kiểm soát…
Trong giai đoạn này, tốt nhất cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con, lắng nghe tâm sự của con cũng như có những định hướng cho con về quan điểm sống, các giá trị đúng đắn để hướng con đến suy nghĩ tích cực, nhận thức được những hành vi chuẩn mực xã hội.
Không được giận quá mất khôn
Áp lực cuộc sống, công việc đôi khi khiến cha mẹ dễ nổi nóng và thường có tình trạng quát mắng với lời lẽ gay gắt, ra lệnh hoặc cấm đoán con, nhưng càng như thế thì càng gặp phản lực mạnh từ phía con. Trẻ trong giai đoạn dậy thì thường có tâm lý muốn được mọi người chú ý và lắng nghe ý kiến bản thân nên cha mẹ càng bắt ép thì con sẽ càng chống đối lại. Do đó, cha mẹ phải biết điều hòa cảm xúc khi dạy con. Giận quá mất khôn, nói những câu xúc phạm, nổi nóng với con sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Thay vào đó hãy bao dung, độ lượng, dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích cái đúng cái sai trong hành động của trẻ để con nhận thức được vấn đề.
Cha mẹ cũng cần cập nhật các kỹ năng
Các phụ huynh thường kỳ vọng và đặt quá nhiều vào con nhưng trên thực tế cha mẹ lại thiếu đi kỹ năng cơ bản, không cập nhật sự phát triển của con trong giai đoạn hiện tại bởi vốn dĩ tuổi dậy thì bây giờ đã khác xa so với mấy chục năm về trước do tác động của các yếu tố xã hội. Con có thể bị ảnh hưởng bởi lối sống của mọi người xung quanh, bởi các phương tiện truyền thông, internet. Do đó, muốn dạy con thì trước tiên cha mẹ cần cập nhật những tài liệu, khóa học về tâm lý tuổi dậy thì để hiểu con hơn. Hãy đặt mình vào vị trí của con trẻ để xem con có những tâm tư, nguyện vọng gì, hãy luôn luôn thấu hiểu những mong muốn của con để đưa ra phương pháp dạy con phù hợp nhất.